ĐỀ TÀI THẢO LUẬN CỦA NHÓM 3 LUẬT DÂN SỰ: CÁC BẠN THAM KHẢO TRƯỚC ĐỂ CHUẨN BỊ THẢO LUẬN
Hiện nay, một trong những yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời về tài sản của Nhà nước trong trường hợp xảy ra các nguy cơ xảy ra chiến tranh, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, tai nạn hoặc các tình huống cấp thiết khác đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tính mạng, sức khoẻ của công dân, tài sản của Nhà nước. Trong những trường hợp đó, các quốc gia đều cho phép thực hiện trưng thu, trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân. Điều 23 Hiến pháp năm 1992 qui định : “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng có bồi thường tài sản cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản do Luật định”. Cho đến nay, chưa có văn bản pháp qui nào qui định cụ thể về thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản...Vì vậy, việc ban hành Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản là thực hiện qui định của Hiến pháp và góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường .
Dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản gồm 5 chương, 60 điều, qui định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hình thức quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia...Luật được xây dựng trên nguyên tắc: Công khai, minh bạch và Nhà nước chỉ thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết; việc quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng phải đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tránh việc lạm dụng quyền hạn để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản.
Về trưng mua tài sản, dự thảo Luật qui định các nội dung chủ yếu là: Điều kiện trưng mua tài sản; thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản; giá trưng mua tài sản; thanh toán tiền trưng mua tài sản; nguồn kinh phí thực hiện trưng mua tài sản
Về trưng dụng tài sản, gồm 20 điều qui định các điều kiện khi nào thì trưng dụng tài sản; thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; trình tự thủ tục trưng dụng tài sản; thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại do trưng dụng tài sản gây ra; thẩm quyền quyết định mức bồi thường thiệt hại do trưng dụng tài sản; nguồn kinh phí thực hiện trưng dụng tài sản.