HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ VÀ CƠ HỘI CỦA VIỆT NAM
TIẾN SĨ VŨ QUANG VIỆT:
“Nếu trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ thì Việt Nam được lợi gì cụ thể, ngoài cái mà chúng ta hay nói một cách chung chung là nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới? Và Việt Nam cần phải làm gì để đáp ứng được sự đòi hỏi của vai trò đó?”.
Câu hỏi này đã được Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Vụ trưởng vụ ngân khố quốc gia, Cục thống kê LHQ trả lời:
Số thành viên của Hội đồng Bảo an cho đến nay được ấn định gồm 15 nước, trong đó có năm nước đóng vai trò thường trực: đó là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Những nước thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm và không được tái nhiệm ngay năm sau. Mỗi nước thành viên phải có đại diện ở trụ sở LHQ tại New York bất cứ lúc nào để đối phó khi tình hình đặc biệt xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh của một khu vực nào đó. Quyết định của HĐBA phải được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị bất cứ một thành viên thường trực nào phủ quyết.
Hiện nay, trong 10 nước không thường trực, ta thấy có 3 thành viên từ Châu Âu (Bỉ, Ý, Slovakia), 3 nước Châu Phi (Congo, Ghana, Nam Phi), 1 nước vùng Trung Đông (Qatar), 2 nước vùng Nam Mỹ (Panama, Peru) và 1 nước Á châu (Indonesia). Việt Nam là ứng viên thay thế 1 trong 5 nước mãn nhiệm kỳ. Nếu thắng cử, Việt Nam và Indonesia là hai nước châu Á nằm trong HĐBA.
Trách nhiệm chính của HĐBA là gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế.
Khi có xung đột, nhiệm vụ của HĐBA là chấm dứt nó hay ít nhất là làm mọi cách tránh cho chiến tranh mở rộng, vì vậy hành động đầu tiên là kêu gọi các bên thương thảo giải quyết hòa bình. Trong một số trường hợp, HĐBA ra lệnh cho Tổng thư ký LHQ tổ chức trực tiếp điều tra và đóng vai trò hòa giải. Để tránh chiến tranh mở rộng, khi các bên xung đột đã có ký kết chấp nhận đình chiến, HĐBA có thể quyết định gửi Lực lượng gìn giữ Hòa bình tới thiết lập vùng đệm, nhằm giảm khả năng xung đột.
Nói tóm lại, HĐBA là cơ quan có quyền lực thực chất của LHQ, nó có quyền như đã nói trên, đồng thời có thể quyết định cấm vận một quốc gia, đem ra tòa án quốc tế xét xử cá nhân phạm tội ác chiến tranh, đề nghị Đại hội đồng LHQ rút tư cách thành viên của một quốc gia, và cả thực hiện các hành động quân sự. Việc đưa quân tình nguyện LHQ tham dự trực tiếp chiến tranh như ở Triều Tiên trước đây là trường hợp đặc biệt, không ai muốn lặp lại, nhưng nó là một trong những quyền lực của HĐBA nhằm trừng trị nước gây chiến tranh. Mỹ cũng rất muốn được sự ủng hộ của HĐBA trong việc chiếm đóng Iraq, nhưng đã bị từ chối.
Trong 192 thành viên LHQ chỉ có 15 nước là thành viên của HĐBA, do đó việc một nước trở thành thành viên, dù không phải là điều gì ghê gớm, cũng là một vinh dự. Lợi ích thu được từ vai trò của một thành viên không thường trực chẳng có gì nhiều, cùng lắm là một số viện trợ không đáng kể từ quốc gia cần phiếu. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất là nó tạo cơ hội cho Việt Nam chứng tỏ cho thế giới biết rằng nó là một nước có thể làm trung gian chuyển thông điệp đáng tin cậy hay thậm chí đóng vai trò tích cực hòa giải các tranh chấp hiện nay. Ngoại giao Việt Nam sẽ hành động như thế nào đối với các tranh chấp ở Trung Đông hiện nay khi ta có thể dễ nhận thấy hình ảnh đẹp đẽ mà người đạo Hồi dành cho Việt Nam? Hay vấn đề Bắc Triều Tiên? Tất cả những vấn đề khác cũng thế, làm sao Việt Nam đóng được vai trò tác nhân hòa giải quyền lợi của mọi người. Nếu thành công, Việt Nam sẽ để lại một ấn tượng sâu sắc. Nếu không thì cũng như các nước khác đã từng có chân trong HĐBA, nó chỉ là một dịp may bị bỏ qua.